bannergis

Vì sao chọn Phú Ninh

1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý
Phú Ninh là một trong những huyện đồng bằng và thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh Quảng Nam. Tổng diện tích tự nhiên là 25.152ha. Với vùng ranh giới chính như sau:
- Phía đông giáp thành phố Tam Kỳ chiều dài hơn 21km và huyện Núi Thành với chiều dài 30km.
- Phía tây giáp huyện Tiên Phước chiều dài 32.8km.
- Phía nam giáp huyện Bắc Trà My chiều dài 9km.
- Phía bắc giáp huyện Thăng Bình chiều dài 19,4km.


1.2. Địa hình
Huyện Phú Ninh nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du, địa hình chủ yếu là núi thấp và đồi gò xen kẽ các dãi đồng bằng. Nhìn chung địa hình thấp dần từ tây sang đông.


1.3. Tài nguyên đất và tình hình sử dụng đất
Tổng diện tích đất là 25.152ha, trong đó:
- Đất nông nghiệp: 8.932,0ha
- Đất lâm nghiệp: 5.476,5ha
- Đất chuyên dùng: 4.039,4ha
- Đất ở: 417,9ha
- Đất chưa sử dụng: 5.189,6ha
- Đất hạ tầng giao thông: 1.096,0ha


1.4. Khí hậu
Phú Ninh nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm, gió mùa thuộc khu vực Đông Trường Sơn chia làm hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình 250C, lượng mưa trung bình 2.600mm. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm 83 – 86%.


1.5. Tài nguyên nước
Hồ Phú Ninh là hồ thủy lợi lớn nhất của cả tỉnh, có dung tích hơn 370 triệu m3 có chức năng điều hòa, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho toàn huyện và khu vực. Ngoài hồ Phú Ninh trên địa bàn còn có những sông suối nhỏ như: sông Bàn Thạch, sông Bồng Miêu, suối La Gà, suối Nhà Ngũ, suối Tây Yên, suối Trương Chi,... với lưu lượng nước cũng không đáng kể.
1.6. Tài nguyên rừng
Tổng diện tích đất rừng tập trung trên địa bàn huyện là 4.903ha, trong đó đất rừng tự nhiên sản xuất 1.408ha, đất có rừng trồng sản xuất 2.255ha và đất có rừng trồng phòng hộ 1.240ha. Ngoài ra ước tính diện tích có rừng phân tán của các hộ trên địa bàn huyện là 500ha. Theo đó độ che phủ hiện nay của rừng trên địa bàn huyện đạt 21,5%.


1.7. Tài nguyên khoáng sản
Mỏ vàng Bồng Miêu là một trong những mỏ có giá trị khai thác lớn của tỉnh hiện nay đang được đầu tư khai thác, đóng góp không nhỏ cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Ngoài ra huyện cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng quí giá như: mỏ nước khoáng, đá granite, quặng sắt-chì, nguồn nước, rừng và hệ thực vật phong phú là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khai thác.


2. Tình hình kinh tế - xã hội
- Cơ cấu kinh tế NN-CNXD-TMDV: 22% - 44,5% - 33,5% ;
- Giá trị NN: 932 tỷ đồng, tăng 5,5% so với 2014 (KH tăng 5,5%, theo GSS 2010 thì ƯTH tốc độ tăng là 4,3%).
- Giá trị CN-XD: 1.888 tỷ đồng, tăng 24,6% so với 2014 (KH tăng 24%, theo GSS 2010 thì ƯTH tốc độ tăng là 14,9%). Trong đó, CN-TTCN thuần 1.297 tỷ đồng, tăng hơn 20,5% so với 2014 (KH tăng 20%, theo GSS 2010 thì ƯTH tốc độ tăng là 17,8%).
- Giá trị TM-DV: 1.416 tỷ đồng, tăng 23,1% so với 2014 (KH tăng 23%, theo GSS 2010 thì ƯTH tốc độ tăng là 21,1%).
- Xây dựng 08 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (KH 04 xã).
- Giải quyết việc làm mới hơn 1.200 lao động (KH 1.200 lao động).
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 55,2%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm trên 50,2%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 91,25%.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,7% (KH 3,7%); Hộ cận nghèo giảm còn 5,28% (KH 5,28%);
- Giảm tỷ suất sinh thô 0,75%o (KH giảm 0,37%o).
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi: nhẹ cân: 8,45% (KH 8,46%), thấp còi: 13,3% (KH 13,45%).
- Có 08 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa NTM, văn minh đô thị (KH 7 xã, thị trấn); 92% thôn, khối phố (KH 70%), 90,5% hộ gia đình (KH 90%), 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (KH 100%) đạt tiêu chí văn hóa.
- Giao quân đạt 100% chỉ tiêu trên giao.
- Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn do huyện quản lý thu 35,49 tỷ đồng.
Trong đó thu phát sinh kinh tế (trừ khai thác quỹ đất) do huyện quản lý thu 18,19 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch (KH 17,3 tỷ đồng).
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,1 triệu đồng (KH 26 triệu đồng).

3. Hạ tầng giao thông
3.1. Đường hàng không:
Cách sân bay quốc tế lớn của Miền Trung là sân bay Đà Nẵng khoảng 70km và sân bay Chu Lai khoảng 30 km, trong đó sân bay Đà Nẵng có các tuyến bay quốc tế trực tiếp đi các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Liên bang Nga...Sân bay Chu Lai đang được nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng thành sân bay trung chuyển hàng hoá quốc tế cấp 4F và trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng duy nhất của Việt Nam.


3.2. Đường biển:
Nằm giữa 2 hệ thống cảng biển quốc tế là Đà Nẵng và Kỳ Hà, gần tuyến hàng hải quốc tế Bắc Nam, rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá với các tuyến trong nước và quốc tế, trong đó Cảng Đà Nẵng có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, tàu container 3.000 Teus; Cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT.


3.3. Đường bộ:
Nằm trên trục giao thông chính của quốc gia với hệ thống Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, đường ĐT 615, Đường quốc lộ 40B thuộc Hành lang kinh tế Đông – Tây nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, đảm bảo giao thông thông suốt với tất cả các tỉnh thành trong nước và quốc tế., đảm bảo giao thông thông suốt với tất cả các tỉnh thành trong nước và quốc tế.


3.4. Đường sắt:
Cách Ga Tam Kỳ 3km về phía Đông với hệ thống đường sắt xuyên Việt đảm bảo vận chuyển hành khách và hàng hoá đi tất cả các địa phương trong nước.


3.4. Hạ tầng điện, nước, viễn thông, xử lý nước thải, chất thải:
Hạ tầng điện, nước, viễn thông đáp ứng đầy đủ nhu cầu các dự án đầu tư; được đầu tư đến ranh giới dự án hoặc đến hàng rào các nhà máy trong khu công nghiệp.


3.5. Dịch vụ tiện ích
Các hạ tầng xã hội và dịch vụ tiện ích khác như trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, công nhân lao động và gia đình của họ.
Hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, các tổ chức tín dụng có mặt ở hầu hết các địa phương, trong đó các ngân hàng cấp quốc gia như Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB...


4. Hồ Phú Ninh
Vùng hồ Phú Ninh là khu du lịch sinh thái hấp dẫn, cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam 7km về phía Tây.
Đây là vùng sinh thái đa dạng có tổng diện tích trên 23,4 nghìn ha, trong đó diện tích mặt hồ là 3.433ha cùng 30 đảo nhỏ và bán đảo xinh đẹp. Bao quanh lòng hồ là những núi non, hồ, suối thơ mộng, những rừng phi lao, bạch đàn, thông caribe tươi tốt. Nơi đây có hệ thống thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, không khí trong lành, giúp du khách thảnh thơi. Vì vậy, Phú Ninh còn được coi là một Vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa Miền Trung.
Đến với đảo Rùa, đảo Su, hố Khế, hố Ba Trăng... rồi bến Đợi Chờ,... với hàng trăm loài thực vật và dược liệu quý cùng hệ thống động vật phong phú với nhiều loại thú quý hiếm như: sói đỏ, khỉ mặt chó, gấu, sơn dương- tất cả đều để lại một ấn tượng rất khó phai mờ trong lòng du khách.
Đặc biệt, Hồ Phú Ninh còn có mỏ nước khoáng nóng tự nhiên, nóng trên 70oC với nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng chữa bệnh, kích thích tiêu hóa, sảng khoái tinh thần và không thua bất kỳ loại nước khoáng nào đang có mặt trên thị trường, đây là tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch như: tắm khoáng, tắm bùn, chữa bệnh, nghỉ dưỡng tại khu du lịch Hồ Phú Ninh. Và cùng với các danh thắng: Thác Trắng và các di tích lịch sử, văn hóa như Đình Chiên Đàn, nhà thờ cụ Phan Chu Trinh,...tạo cho Phú Ninh có một lợi thế so sánh và tiềm năng rất lớn để phát du lịch
Với tiền năng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định số 3598/QĐ-UBND ngày 14/11/2007 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng hồ Phú Ninh, quy hoạch này do Tập đoàn ASCONIS- PHÁP làm tư vấn và vùng NORS PAS DE CALAIS- PHÁP tài tợ.
Hiện nay đã có 01 nhà đầu tư đang khai thác du lịch tại Đồi Đá Đen với các dịch vụ: Nghỉ dưỡng, tắm khoáng, tắm bùn, tắm tia, đua thuyền...và 01 nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư du lịch tâm linh (Thiền viện Trúc Lâm Quảng Nam).
Từ các điều kiện trên, cùng với chính sách cởi mở và khuyến khích đầu tư vào du lịch hồ Phú Ninh và các điểm du lịch khác, huyện sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác vào các lĩnh vực trên địa bàn huyện đặc biệt là du lịch.


5. Nguồn lao động

nguonlaodong

 

6. Cơ chế chính sách đặc thù
Nhà đầu tư được toàn quyền lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp.
Đơn giá cho thuê đất có kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác; tùy lĩnh vực đầu tư, dự án có thể được miễn tiền thuê đất chưa có kết cấu trong thời gian 11 năm, 15 năm hoặc suốt thời hạn triển khai dự án
Được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ một phần chi phí bồi thường; chi phí đào tạo lao động; xây dựng nhà ở công nhân; chi phí xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Ngoài những quy định chung, những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng được chính quyền tỉnh Quảng Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ Trung ương cho áp dụng các chính sách đặc thù.
Tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" tại một cơ quan đầu mối duy nhất; thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung; nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ.


7. Chất lượng cuôc sống đảm bảo
Quảng Nam là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện đáp nhu cầu vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng và học tập,... của nhà đầu tư.
Với 2 di sản văn hóa thể giới là Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh khác. Đặc biệt, Hội An đã nhận được giải vàng "Thành phố du lịch được yêu thích nhất năm 2012" do Tạp chí du lịch Wanderlust (Vương Quốc Anh) bình chọn. Trên địa bàn tỉnh có hơn 4000 phòng khách sản đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó The Nam Hai là khu du lịch 5sao+ duy nhất miền Trung và sân golf Montgomerie Links tốt nhất Châu Á.
Nhu cầu khám chữa bệnh cũng được đáp ứng tối đa với Bệnh viện đa khoa Trung ương có quy mô 500 giường bệnh được đầu tư từ nguồn vốn ODA của chính phủ Hàn Quốc.

 

Lĩnh vực thu hút đầu tư

1. CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ:
Đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong phát triển công nghiệp của Việt Nam và Quảng Nam, trong đó chú trọng các ngành sau:
+ CNHT ngành dệt may, da giày
Địa điểm đầu tư: Cụm công nghiệp Phú Mỹ, Cụm CN Đồi 30
+ CNHT ngành điện - điện tử
Địa điểm đầu tư: Cụm công nghiệp Chợ Lò


2. CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN CÁC MẶT HÀNG TIÊU DÙNG, HÀNG GIA DỤNG, NÔNG LÂM THỦY SẢN, VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Huyện Phú Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và nguồn nông sản dồi dào, đa dạng về chủng loại, là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, chế biến các sản phẩm nông lâm thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sâu khoáng sản...
+ Tài nguyên khoáng sản: vàng, thiết, titan
+ Tài nguyên rừng: rất nhiều loại gỗ quý và dược liệu
+ Nguồn nông sản dồi dào, đa dạng về chủng loại


3. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ KINH DOANH HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP
Các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước được khuyến khích thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn theo danh mục sau:
+ Khu công nghiệp Phú Xuân: Diện tích 108ha
+ CCN Chợ Lò, xã Tam Thái: Diện tích quy hoạch 36 ha
+ CCN Phú Mỹ, xã Tam Phước: Diện tích quy hoạch 37,5
+ CCN Tam Đàn, xã Tam Đàn: Diện tích quy hoạch 15,2 ha
+ CCN Quán Rường, xã Tam An: Diện tích quy hoạch 24
+ CCN Đồi 30, xã Tam Dân và Thị trấn Phú Thịnh: Diện tích quy hoạch 40 ha.


4. LĨNH VỰC DU LỊCH, THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ VÀ ĐÔ THỊ
+ Du lịch Hồ Phú Ninh, địa điểm: xã Tam Đại, huyện Phú Ninh
+ Du lịch Thác trắng Bồng Miêu, địa điểm: xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh
+ Chợ Chiên Đàn, địa điểm: xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh
+ Chợ đầu mối hàng nông sản, địa điểm: xã Tam Thái và Tam Đàn, huyện Phú Ninh
+ Siêu thị Mini, địa điểm: xã Tam Dân, Thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh
+ Khu Thương mại -Dịch vụ Kỳ Lý, địa điểm: Dọc quốc lộ 1A xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh (cửa ngõ vào Thành phố Tam Kỳ).


5. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm.
Với diện tích tự nhiên hơn 25.152ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 70% tổng diện tích là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp. Định hướng thu hút đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp có kỹ thuật tiên tiến như:
+ Trồng và chế biến các loại nông sản, hoa quả.
+ Lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
+ Lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) ngành công nghiệp.

Ưu đãi đầu tư

ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ NINH
(Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn)

Ưu đãi đầu tư
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực 1/7/2015), các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn được áp dụng các ưu đãi đầu tư sau:
- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
- Thời hạn hoạt động của Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tối đa 70 năm (các dự án khác 50 năm).


1. Ưu đãi về thuế
- Áp dụng mức thuế suất 20% trong vòng 10 năm; được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo, đối với các dự án đầu tư mới thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Áp dụng thuế thu nhập 10% suốt vòng đời dự án đối với thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.


2. Ưu đãi về đất đai
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản:
- 7 năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- 11 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- 15 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.


3. Về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
Theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ tất cả các dự án thực hiện đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đều được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (trừ các dự án: thủy điện có công suất từ 50MW trở lên, nhiệt điện, xi măng, sắt thép; đường bộ, cầu đường bộ; đường sắt và cầu đường sắt).
Ngoài các chính sách ưu đãi áp dụng chung đối với các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, trong các lĩnh vực cụ thể còn có các chính sách ưu đãi bổ sung, cụ thể:
- Đối với đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đó quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Đối với lĩnh vực giáo dục, y tế Chính phủ đã ban hành Nghị định số69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP;
- Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề và hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, mây tre lá heo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 07/5/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016.
- Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Lời cảm ơn

Chúng tôi rất cảm ơn quý doanh nghiệp và nhà đầu tư đã ghé thăm website. Chúng tôi còn vinh hạnh hơn khi được phục vụ các bạn.

Mr. Huỳnh Ngọc Hải

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ